Tin tức
Liên kết website
Quy hoạch lại việc sử dụng đất nông nghiệp
agroviet.gov.vn - 13/09/2011 12:00:00 SA       
Theo báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2001-2010 của Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường): Năm 2010 đất nông nghiệp của cả nước có 26.226.000 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 10.126.000 ha, tăng 556.000 ha so với năm 2000. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp không những không giảm mà còn cao hơn chỉ tiêu được giao. Đây là cố gắng lớn của các địa phương trong việc duy trì, bảo vệ và phát triển quỹ đất.

Riêng đất trồng lúa nước thời kỳ 2001-2010, chỉ tiêu Quốc hội duyệt cho phép giảm 407.000 ha, kết quả thực hiện trong 10 năm chỉ giảm 270.000 ha. Như vậy, nhìn chung diện tích lúa nước của cả nước vẫn đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực. Song tại một số địa phương tốc độ giảm diện tích đất trồng lúa tương đối nhanh, như các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long do chuyển sang xây dựng các khu công nghiệp và đô thị, hoặc chuyển sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả...

Đất trồng lúa nước tuy có giảm nhưng năng suất lúa của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng từ 42,4 tạ/ha lên 53,2 tạ/ha, nên sản lượng lúa tăng từ 32,5 triệu tấn lên 38,9 triệu tấn. Bình quân đạt 460kg thóc/người/năm, tăng 41kg/người/năm so với năm 2000, đồng thời xuất khẩu gạo bình quân đạt từ 5-6 triệu tấn/năm.

Như vậy, công tác quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong 10 năm vừa qua ngày càng đi vào thực chất, góp phần tích cực vào việc sử dụng đất nói chung và đất sản xuất nông nghiệp nói riêng hợp lý và có hiệu quả rõ nét. Tuy vậy, chất lượng dự báo nhu cầu quỹ đất cho phát triển các ngành, các lĩnh vực khi lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa sát thực tế, dẫn tới tình trạng vừa thiếu lại vừa thừa quỹ đất.

Một số địa phương chưa thực hiện đúng chủ trương sử dụng tiết kiệm đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa nước, nên vẫn còn tình trạng quy hoạch sử dụng đất phi nông nghiệp trên đất sản xuất nông nghiệp có năng suất cao, thậm chí trên đất chuyên thâm canh lúa nước, trong khi ở địa phương vẫn còn nhiều quỹ đất khác. Việc quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị nhiều nơi còn dàn trải, có không ít địa phương tỷ lệ lấp đầy còn dưới 60% song vẫn đề nghị mở thêm nhiều khu, cụm công nghiệp khác.

Công tác quản lý, thực hiện quy hoạch sử dụng đất sau khi phê duyệt tại nhiều địa phương chưa được coi trọng trong khâu thực hiện; việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt còn mang tính hình thức, các quyền của người sử dụng đất trong phạm vi quy hoạch ở nhiều nơi còn bị vi phạm, chẳng hạn như không cấp Giấy chứng nhận, không được sửa chữa nhà cửa...gây nhiều bức xúc cho người dân.

Nhiều nơi để cho dân ngang nhiên lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép không bị xử lý, gây khó khăn phức tạp và làm tăng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất. Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa thực sự nghiêm túc, đặt biệt là việc quản lý, sử dụng đất theo các chỉ tiêu quy hoạch đã được phê duyệt.

Do đó, để tạo nên sự đột phá trong thực hiện Nghị quyết 26 của Trung ương về “Tam nông”, việc đầu tiên là công tác quy hoạch sử dụng đất phải được coi là công cụ quan trọng của Nhà nước trong việc thực hiện quyền định đoạt về đất đai; tạo lập cơ sở pháp lý cho công tác giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; kể cả hỗ trợ điều tiết thị trường bất động sản.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên nhận định: Hiện nay diện tích đất trồng lúa của cả nước có khoảng 4,1 triệu ha. Trong vòng 20 năm tới, nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và tạo đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng, đất trồng lúa sẽ tiếp tục phải chuyển sang mục đích phi nông nghiệp ước khoảng 450-500 nghìn ha (nhất là các vùng đồng bằng). Bên cạnh đó, để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trước mắt cũng như lâu dài, nước ta cần phải duy trì ổn định quỹ đất trồng lúa khoảng 3,8 triệu ha.

Vì vậy, trong giai đoạn tới Nhà nước cần phải có các giải pháp đầu tư về thủy lợi để có thể khai thác 250-300 nghìn ha đất chưa sử dụng cho mục đích trồng lúa, để bổ sung diện tích đất lúa phải chuyển sang các mục đích phi nông nghiệp; đồng thời đẩy mạnh đầu tư thâm canh chuyển đổi cơ cấu giống lúa, nâng cao hệ số sử dụng đất trồng lúa từ 1,82 lên 1,92 lần và đưa năng suất lúa đạt 62 tạ/ha. Phấn đấu đến năm 2030, sản lượng lương thực của nước ta có thể đạt 46-49 triệu tấn, trong đó có 43-44 triệu tấn lúa, bảo đảm đủ lương thực cho 110-115 triệu dân với mức bình quân trên 350kg/người/năm.

Giải pháp hàng đầu về quy hoạch lại việc sử dụng đất đai góp phần phát triển “Tam nông” bền vững, đó là Nhà nước cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các địa phương giữ đất trồng lúa nước; điều tiết phân bổ ngân sách nhà nước đảm bảo lợi ích giữa các địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp với các địa phương “thuần nông”, nhất là những vùng thâm canh lúa. Mặt khác, xây dựng các quy định pháp lý động viên được người dân trồng lúa, bằng cách thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người trực tiếp làm ra lúa gạo, đảm bảo có lãi tương xứng với công sức người nông dân đã đầu tư./.
Văn Hào
Tin mới hơn
Tin cũ hơn
Không có tin cũ hơn
TIN NỔI BẬT