Hội nghị Tổng kết sản xuất lúa năm 2012, Kế hoạch năm 2013 và đẩy mạnh phát triển cánh đồng mẫu lớn tại các tỉnh phía Nam ![](/Images/spacer.gif)
Hội nghị Tổng kết sả - 30/01/2013 12:00:00 SA
Ngày 25/01/2013, tại UBND tỉnh Kiên Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị Tổng kết sản xuất lúa năm 2012, Kế hoạch năm 2013 và Đẩy mạnh phát triển cánh đồng mẫu lớn tại các tỉnh phía Nam do Thứ trưởng Bùi Bá Bổng chủ trì. Tham dự Hội nghị gồm có đại biểu của một số Bộ ngành, các Sở Nông nghiệp - PTNT các tỉnh phía Nam và các Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ Nông nghiệp – PTNT,…
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp – PTNT, ngành lúa gạo năm 2012 tăng trưởng cả về sản xuất và xuất khẩu, góp phần vào sự phát triển chung của ngành nông nghiệp cả nước.
Về sản xuất, so với năm 2011, diện tích lúa cả nước tăng 117 ngàn ha, đạt khoảng 7,76 triệu ha; năng suất bình quân tăng 1,27 tạ/ha, đạt 56,6 tạ/ha; tổng sản lượng lúa tăng 1,64 triệu tấn, ước đạt khoảng 43,96 triệu tấn. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vựa lúa của cả nước, đạt sản lượng 24,52 triệu tấn lúa, tăng 1,25 triệu tấn so với năm trước. Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (DHNTB) và Tây Nguyên (TN) đạt sản lượng 3,26 triệu tấn lúa, tăng 147,9 ngàn tấn; vùng Đông Nam Bộ đạt sản lượng 2,24 triệu tấn, tăng 52,7 ngàn tấn so với năm 2011.
Đặc biệt, xuất khẩu gạo tăng trên 13% về lượng so với năm 2011 và đạt mức cao nhất từ trước đến nay với hơn 8 triệu tấn, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu mặc dù giá xuất khẩu bình quân cả năm giảm hơn 10%.
Trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường nhưng sản xuất lúa của các địa phương phía Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng khá, bà con nông dân nhìn chung vẫn đạt được mức lợi nhuận bình quân khoảng 30% chủ yếu do: có những bước đột phá mạnh mẽ trong khâu tổ chức sản xuất, nhất là chú trọng việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn; sự quan tâm của các cấp các ngành, nhất là trong việc xây dựng và chỉ đạo thời vụ sản xuất, cơ cấu giống, thủy lợi, áp dụng “3 giảm, 3 tăng”; công tác BVTV, phòng chống thiên tai, công tác khuyến nông được triển khai rộng rãi;...
Việc đẩy mạnh cơ giới hoá các khâu trong sản xuất lúa được các tỉnh đặc biệt quan tâm.Toàn vùng thực hiện cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt 35- 80%; bơm tưới 85%; thu hoạch 23% (vùng ĐBSCL đạt 36%); sấy lúa 39%; tuốt lúa 95%; xay xát 95%... đã góp phần đảm bảo tính thời vụ, tăng năng suất, chất lượng lúa và giảm tổn thất sau thu hoạch. Một số tỉnh ĐBSCL như Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cần Thơ, An Giang có mức độ cơ giới hóa cao.
Việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML) với tiêu chí: phù hợp quy hoạch, điều kiện tự nhiên, hạ tầng kinh tế xã hội của từng địa phương; có diện tích đủ lớn phù hợp sản xuất hàng hoá,xây dựng vùng nguyên liệu; nông dân tự nguyện tham gia; doanh nghiệp cung ứng, hỗ trợ và hướng dẫn nông dân sử dụng giống, phân bón, thuốc BVTV, tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng... Sau 2 năm, các địa phương trong cả nước đã thực hiện được hơn 78,6 ngàn ha lúa CĐML, trong đó các tỉnh phía Nam đạt 59,8 ngàn ha. Đánh giá hiệu quả kinh tế trong mô hình CĐML ở một số địa phương cho thấy lợi nhuận thu được cao hơn so với ngoài mô hình từ 2,2 - 7,5 triệu đồng/ha. Ở Nam Bộ, diện tích CĐML vụ Đông Xuân 2011/2012 đạt 19,7 ngàn ha và vụ Hè Thu tăng lên tới 32,1 ngàn ha.
Mục tiêu sản xuất lúa năm 2013 là: giữ ổn định diện tích các vụ, tăng năng suất và tăng sản lượng lúa; gia tăng chất lượng lúa gạo xuất khẩu và xây dựng các mô hình sản xuất lúa theo hướng GAP. Dự kiến tại vùng DHNTB và TN sẽ đạt diện tích lúa ở mức 611,78 ngàn ha và sản lượng 3,37 triệu tấn; Nam Bộ 4,67 triệu ha và 26,97 triệu tấn lúa.
Để đạt mục tiêu trên, theo Bộ NN&PTNT, sản xuất lúa ở các tỉnh phía Nam trong năm 2013 cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như: cơ cấu giống lúa phù hợp, khuyến cáo sử dụng các giống lúa có khả năng chống chịu cao, phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng; tuân thủ lịch thời vụ, xuống giống đồng loạt, tập trung; tăng cường sản xuất lúa giống gắn với hỗ trợ hệ thống nhân giống nông hộ, tăng sử dụng giống lúa xác nhận; đầu tư phát triển trồng lúa trên vùng sản xuất luân canh tôm ở ven biển ĐBSCL; tăng cường công tác phòng trừ dịch hại, đầu tư hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất gắn với thực hiện “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”; đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp từ khâu sản xuất đến thu hoạch và bảo quản; nhân rộng mô hình CĐML;... nhằm giảm chi phí sản xuất, giảm thất thoát sau thu hoạch, nâng cao chất lượng lúa gạo phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đồng thời tăng thêm lợi nhuận cho bà con nông dân.
Lê Bích Lan
Tin mới hơn
Tin cũ hơn
Không có tin cũ hơn
|