|
|
|
|
|
|
Bảo vệ rừng nguyên sinh Trường Sơn ![](/Images/spacer.gif)
monre.gov.vn - 21/04/2013 12:00:00 SA
Rừng bị suy thoái và phân mảng nghiêm trọng
Xét về mặt tự nhiên, rừng Trường Sơn có vai trò hết sức quan trọng, nhất là trong việc làm chậm quá trình lũ lụt, hạn chế sự tàn phá của các cơn bão, làm chậm quá trình khô hạn hóa. Chỉ với 50% diện tích có rừng, thì mỗi năm dãy Trường Sơn giữ được 22-25 triệu tấn CO2, góp phần đáng kể vào giảm hiệu ứng nóng lên toàn cầu. Rừng Trường Sơn còn được coi là một trong những nơi có độ đa dạng sinh học cao trong khu vực và trên thế giới với nhiều loài quý hiếm và đặc hữu như sao la, voọc, mang lớn Trường Sơn, v.v. Tuy nhiên, trong vài thập kỷ qua, cảnh quan rừng tự nhiên nguyên sinh tại miền Trung Việt Nam đã bị suy thoái và phân mảng nghiêm trọng. Diện tích rừng Trường Sơn đang giảm sút trầm trọng, tại vùng đồng bằng, những khu đô thị, khu công nghiệp diện tích rừng còn mất hoàn toàn. Không có rừng dẫn tới không có nước. Chưa mưa đã lũ, chưa nắng đã cạn. Không những vậy, tài nguyên rừng nơi đây đang ở mức báo động bởi sự cạn kiệt của nhiều loài động thực vật. Thậm chí, loài vật trong rừng hiện cũng đã mất hết. Nguyên nhân chủ yếu do hậu quả chiến tranh, khai thác gỗ bất hợp pháp, các tập quán canh tác lâm nghiệp không bền vững và sự mở rộng của các khu rừng trồng thuần loài các cây nhập ngoại có chu kỳ kinh doanh ngắn như cây keo. Việc độc canh các cây này lại tạo ra sự phân mảnh hơn là tái kết nối cảnh quan rừng. Ngoài ra, các khu rừng tự nhiên suy thoái có giá trị bảo tồn cao đang liên tục được chuyển đổi thành các đồn điền.
Nếu sự việc vẫn tiếp diễn như hiện nay, tính nguyên vẹn của hệ sinh thái sẽ không được phục hồi. Đặc biệt, sinh cảnh sống không liền mạch sẽ khiến cho các loài bị hạn chế giao lưu, đẩy nhiều loài tới nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai gần.
Nối liền cảnh quan rừng tự nhiên
Trước sự suy giảm của rừng Trường Sơn, Chủ tịch hội bảo vệ TN&MT Việt Nam Nguyễn Ngọc Sinh khẳng định: "Bảo vệ Trường Sơn hiện đang thiếu một chiến lược chung, chiến lược ấy lớn hơn chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học, nhưng chưa thể đưa ngay ra được một quy hoạch cụ thể mà đang tiệm cận để giải quyết". Do đó, để phục hồi rừng, trước mắt, các tỉnh có rừng cần chủ động liên kết hợp tác để nối liền cảnh quan rừng tự nhiên. Ngày 17/4/2013, tỉnh Quảng Nam và Quảng Trị đã phê duyệt và đưa kế hoạch phục hồi rừng nhằm nối liền cảnh quan rừng tự nhiên tại khu vực Trung Trường Sơn vào kế hoạch Phát triển rừng đến năm 2020 của tỉnh. Đây là một thành công của dự án “Tăng cường quản lý rừng có trách nhiệm và phục hồi rừng” do WWF thực hiện tại hai tỉnh với sự hợp tác của các Chi cục Lâm nghiệp và Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn. Thực hiện dự án này, Quỹ Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) mong muốn xây dựng một sinh cảnh nối liền các khu rừng từ Quảng Trị, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế - ba tỉnh quan trọng nhất trong dãy Trung Trường Sơn. Kế hoạch này sẽ bổ sung cho các chương trình phục hồi rừng khác của chính phủ, như chương trình 661 – trồng 5 triệu héc-ta rừng. Tuy nhiên, khác với các chương trình và dự án phục hồi rừng đã từng được thực hiện tại Việt Nam, đa số nhằm phủ xanh đất trống đồi trọc, dự án tập trung vào kết nối các mảnh rừng phân lẻ trong một khu vực có độ đa dạng sinh học cao. Ngoài ra, cây trồng sẽ là những cây bản địa tự nhiên, đã từng tồn tại trước khi rừng bị chặt phá, nhằm tái tạo lại sinh cảnh sống gần với trước kia nhất, tăng cơ hội sinh tồn cho các loài.
TS. Lê Thủy Anh, Quản lý Sinh cảnh Trung Trường Sơn của WWF - Việt Nam, cho biết, “Đến năm 2020, theo như kế hoạch, sẽ có khoảng 300.000 héc-ta rừng được trồng mới hoặc trồng bổ sung, nâng tổng diện tích rừng của khu vực lên từ 7.200km2 thành 10.000 km2. Điều này cũng có nghĩa các loài như Sao la, mang lớn Trường Sơn, voọc sẽ được cho thêm một cơ hội sống sót khi sinh cảnh của chúng được mở rộng và nối liền.”
Việc cân bằng giữa lợi ích bảo tồn và sinh kế của người dân trong khu vực là một chiến lược khôn ngoan. Nó sẽ tạo ra một mô hình bền vững và thiết thực. Đây là cách để các tỉnh có rừng Trường Sơn bảo vệ được rừng trong điều kiện chưa có một chiến lược chung bảo vệ và phục hồi rừng dài hạn.
T.Minh
Tin mới hơn
Tin cũ hơn
Không có tin cũ hơn
|
|
|
|
|
|