Kết quả thực hiện Luật Đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, giai đoạn 2006 - 2012 
Trần Gia Long - 21/06/2013 12:00:00 SA
Cả nước hiện có 260 huyện, thị xã thuộc danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ĐBKK), trên địa bàn 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (chiếm 37% số đơn vị hành chính cấp huyện của cả nước).
Các huyện này tập trung chủ yếu ở miền núi phía Bắc, Tây Thanh Hóa, Nghệ An (105 huyện, chiếm hơn 40%), phía Tây vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Đây là địa bàn các dân tộc thiểu số tập trung sinh sống với hơn 12 triệu người, chiếm 36% dân số toàn vùng. Địa bàn ĐBKK có diện tích trải rộng từ Bắc đến Nam, phần lớn là đồi núi có độ dốc lớn, địa hình chia cắt, hiểm trở (các tỉnh miền núi phía Bắc và Duyên hải miền Trung), hoặc địa hình cao nguyên, bằng phẳng (các tỉnh Tây Nguyên, Tây Nam Bộ).
Địa bàn ĐBKK có vị trí quan trọng cả về kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh. Nhiều tỉnh có đường biên giới với các nước Trung Quốc, Lào, Căm Phu Chia. Về thổ nhưỡng, khí hậu, địa bàn ĐBKK có tiềm năng, điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, xây dựng, thủy điện, thủy lợi, khai thác khoáng sản, phát triển du lịch và xuất nhập khẩu…
Giai đoạn 2006 - 2012 đã có 2.025 dự án đầu tư vào địa bàn ĐBKK, với vốn đăng ký là 327.527 tỷ đồng, vốn đã đầu tư là 317.209,9 tỷ đồng (Báo cáo số 459/BC-HDDT13 ngày 16/5/2013 của Hội đồng Dân tộc Quốc hội). Các địa phương dẫn đầu trong thu hút đầu tư vào địa bàn ĐBKK là Hậu Giang, Lâm Đồng, Lai Châu, Hà Giang... Tính riêng Bộ Nông nghiệp & PTNT, tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ cho các công trình thuộc Bộ quản lý tại các huyện nghèo (Chương trình 30a của Chính phủ) giai đoạn 2006 - 2012 là 11.740 tỷ đồng, trong đó, các dự án thuỷ lợi khoảng 9.000 tỷ đồng. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại 41 tỉnh có địa bàn ĐBKK, đã thu hút được 2.167 dự án với tổng vốn đăng ký là 78,08 tỷ USD (chiếm 37,36% tổng vốn FDI đăng ký của cả nước). Trong đó, Hà Tĩnh là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất, với 10,6 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm, chiếm 13,6% tổng vốn FDI của các tỉnh có địa bàn ĐBKK. Tiếp theo là Ninh Thuận, với 10,5 tỷ USD tổng vốn FDI cấp mới và tăng thêm, chiếm 13,5%. Đứng thứ ba là Quảng Nam có 99 dự án, với tổng vốn đầu tư đạt 9,5 tỷ USD. Đã có 62 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào 41 tỉnh có địa bàn ĐBKK, trong đó dẫn đầu là Đài Loan với 330 dự án, tổng vốn đăng ký 12,1 tỷ USD (chiếm 15,5% tổng vốn); đứng thứ hai là Malaysia với 43 dự án, tổng vốn đăng ký là 10,1 tỷ USD (chiếm 12,9% tổng vốn); tiếp đến là Nhật Bản với 131 dự án, tổng vốn đăng ký là 9,2 tỷ USD…
Những kết quả đạt được khi thực hiện Luật Đầu tư tại địa bàn ĐBKK, vùng Dân tộc thiểu số: Một là, về môi trường đầu tư: Đã huy động được nguồn lực to lớn của các thành phần kinh tế; nhiều tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách riêng để thu hút đầu tư trên địa bàn ĐBKK. Hai là, về quản lý đầu tư: Công tác quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư được sự quan tâm của các tỉnh; thông qua hoạt động xúc tiến đầu tư và hiệu quả đầu tư, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của nhiều tỉnh liên tục được cải thiện theo hướng tích cực. Ba là, về hiệu quả đầu tư: Các dự án đầu tư đã góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương, tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2006 - 2012 của địa bàn ĐBKK đạt trên 10%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập bình quân tăng từ 5,94 triệu/người/năm (2006) lên 15,22 triệu/người/năm (2012), tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 39,27% (2006) xuống còn 20,11% (2012). Các doanh nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư; đồng thời thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất của các hộ dân trên địa bàn ĐBKK, đã đóng góp, hỗ trợ địa phương nơi đầu tư về đào tạo nghề cho lao động, hỗ trợ hộ nghèo, xây dựng hạ tầng, công trình thủy lợi, trường học, nhà văn hóa… Doanh nghiệp quan tâm đầu tư phát triển khai thác thế mạnh của địa phương, đã gắn đầu tư chế biến với vùng nguyên liệu, cam kết trách nhiệm cung ứng vật tư, thu mua, chế biến, dịch vụ đầu ra cho sản phẩm…
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật Đầu tư cũng có những hạn chế, tồn tại: Thứ nhất, về môi trường pháp lý: Việc xác định thế nào là địa bàn ĐBKK, địa bàn khó khăn quá rộng, thậm chí chưa rõ tiêu chí xác định thế nào là tỉnh ĐBKK, tỉnh khó khăn; cơ chế, chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư…; chính sách, mức ưu đãi trong Luật Đầu tư chưa hấp dẫn, chưa phân biệt rõ ràng đặc thù trên địa bàn đầu tư; thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp… dẫn đến các xã thuộc diện ĐBKK, các huyện nghèo (Chương trình 30a) có rất ít doanh nghiệp đến đầu tư… Thứ hai, về quản lý đầu tư: Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, các cấp trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, kiểm tra, giám sát, quản lý, thông tin báo cáo còn nhiều hạn chế; hầu hết các địa phương, nhất là cấp huyện chưa nắm được số liệu về doanh nghiệp trên địa bàn… Thứ ba, về trách nhiệm của chủ đầu tư: Một số doanh nghiệp thực hiện dự án chậm tiến độ, việc tạm ngừng, giãn, hoãn tiến độ thực hiện dự án không tuân thủ quy định tại Điều 64 Luật Đầu tư và Điều 67 Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ; doanh nghiệp đầu tư chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng thủy điện, khai thác khoáng sản, trồng cây công nghiệp đã tác động tiêu cực đến đất ở, đất sản xuất, môi trường và không gian sinh tồn của đồng bào dân tộc thiểu số…; các dự án đầu tư đều đăng ký sử dụng lao động địa phương, nhưng thực tế do hạn chế của trình độ tay nghề nên họ chỉ được làm công việc giản đơn, thời vụ, lương thấp; đa số các dự án có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, chủ yếu khai thác lợi thế sẵn có của địa phương, hiệu quả kinh tế hạn chế, giá trị gia tăng thấp…
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả đầu tư tại các địa bàn ĐBKK, vùng Dân tộc thiểu số cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, trong đó yêu cầu đặt ra là hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, khả thi: Điều chỉnh, sửa đổi Luật Đầu tư theo hướng tăng mức khuyến khích đầu tư, ưu đãi đầu tư đủ mạnh; đồng thời ràng buộc trách nhiệm các nhà đầu tư, nhất là dự án gây ô nhiễm môi trường, khai khoáng, sử dụng nhiều đất…; sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng miễn thuế cho doanh nghiệp đầu tư (cả Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và đánh bắt hải sản) trên địa bàn ĐBKK, vùng Dân tộc thiểu số; Sửa đổi Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ theo hướng xác định huyện ĐBKK (không xác định tỉnh ĐBKK như hiện nay)./.
Tin mới hơn
Tin cũ hơn
|