MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH NÔNG NGHIỆP
VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN 2030
TS. Nguyễn Võ Linh, Th.S. Trần Thị Loan
TÓM TẮT
Nông nghiệp Việt Nam những năm qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ, từ một nước tự cung tự cấp nông sản đã chuyển sang nền sản xuất hàng hoá xuất khẩu trong khu vực và thế giới với nhiều mặt hàng xuất khẩu ở thứ hạng cao trên thế giới, an ninh lương thực được đảm bảo, xuất khẩu gạo với khối lượng lớn. Chất lượng nông sản hàng hoá những năm gần đây được nâng cao, khối lượng nông sản theo tiêu chuẩn an toàn ngày càng nhiều. Tuy nhiên nông nghiệp còn một số vấn đề bất cập cần khắc phục đó là: Phân bố sản xuất nông nghiệp chưa hợp lý, thiếu sự phối hợp hợp tác để phát triển giữa các vùng, các lĩnh vực sản xuất; một số mặt hàng nông sản xuất khẩu tuy có tăng về số lượng và giá trị nhưng thu nhập của nông dân ở các vùng sản xuất hàng hoá tăng chậm; chất lượng hàng nông sản, sức cạnh tranh trên thị trường chưa cao; sản xuất chưa gắn kết chặt chẽ với chế biến, tiêu thụ, một số nông sản thực phẩm chưa đảm bảo vệ sinh an toàn... trong cơ cấu ngành nông nghiệp, trồng trọt vẫn chiếm tỷ trọng lớn; xuất khẩu nông sản chủ yếu là ở dạng thô cho nên hiệu quả thấp. Hệ thống cơ chế chính sách còn thiếu, yếu và chồng chéo ít hiệu quả dẫn đến việc thực hiện công tác quy hoạch thiếu đồng bộ.
Từ khoá: nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, xuất khẩu.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5 tháng 8 năm 2008 Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn khẳng định: “Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch sản xuất nông nghiệp trên cơ sở nhu cầu thị trường và lợi thế từng vùng, sử dụng đất nông nghiệp tiết kiệm, có hiệu quả, duy trì diện tích đất lúa đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trước mắt và lâu dài. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với chế biến và thị trường…”
Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ.
Mặt khác, từ thực tiễn sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông lâm thuỷ sản đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch, đó là: Việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất ở nhiều địa phương còn nhiều lúng túng, tự phát do quy hoạch được điều chỉnh kịp thời. Hiệu quả của sản xuất nông lâm thủy sản còn thấp, phần nhiều do sản xuất chưa gắn với cơ sở công nghiệp chế biến và thị trường, tình trạng thừa thiếu xẩy ra đối với nhiều cơ sở chế biến công nghiệp. Thị trường nông lâm thuỷ sản luôn có sự biến động và đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và thay đổi theo hướng thị hiếu của từng nơi.
Trong khi đó, quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, yêu cầu phải nhanh chóng điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo hướng phát huy lợi thế so sánh và nâng cao nhanh khả năng cạnh tranh, đồng thời phải đối phó có hiệu quả với các diễn biến bất thường của khí hậu liên quan tới biến đổi khí hậu.
Trong thời gian qua nhiều địa phương cũng đã tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất nông lâm nghiệp và thuỷ sản trên địa bàn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo rà soát quy hoạch nhiều chuyên đề. Tuy vậy, cần có khung tổng thể để quy hoạch phát triển toàn ngành nông nghiệp.
II. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Phương pháp thu thập thông tin thứ cấp: Thu thập các tư liệu có liên quan tới nội dung quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp cả nước.
Điều tra, khảo sát địa bàn các tỉnh, thành phố trong cả nước để tổng hợp các thông tin và trao đổi các nội dung quy hoạch có liên quan.
Tổng hợp, phân tích, đánh giá các tài liệu thông tin có liên quan của phần hiện trạng và rút ra các kết luận phục vụ cho quy hoạch phát triển các năm tới.
Phương pháp xử lý tổng hợp, tính toán các chỉ tiêu, dự báo quy hoạch phát triển nông thôn.
III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
1. Quan điểm, mục tiêu quy hoạch
1.1. Quan điểm phân bổ quy hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản
(1) Quy hoạch phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản phải đặt trong tổng thể quy hoạch kinh tế – xã hội chung của cả nước; đảm bảo sử dụng có hiệu quả quỹ đất nông lâm nghiệp và lao động nông thôn.
(2) Quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; tiếp tục là hướng quan trọng tạo việc làm, thu nhập cho bộ phận lớn lao động, tạo thị trường cho nhiều ngành công nghiệp và dịch vụ; đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn từ các nguồn tài nguyên tái tạo; góp phần quan trọng xoá đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững của kinh tế đất nước.
(3) Quy hoạch phát triển nông nghiệp phải trên cơ sở phát huy cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, kết hợp ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực được đào tạo, để khai thác có hiệu quả lợi thế của mỗi vùng, mỗi địa phương.
(4) Quy hoạch phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản phải gắn kết chặt chẽ với công nghiệp bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ, tiếp tục hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung; đảm bảo cơ cấu lao động phù hợp, với nguồn nhân lực được đào tạo, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông, lâm, thuỷ sản hàng hoá với trình độ kỹ thuật và công nghệ ngày càng cao.
(5) Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp phải có hệ thống chính sách đảm bảo huy động cao các nguồn lực xã hội, trước hết là đất đai, lao động, rừng và biển, phát huy sức mạnh hội nhập quốc tế và sự hỗ trợ của nhà nước.
1.2. Mục tiêu phát triển đến năm 2020
- GDP nông nghiệp năm 2020 đạt khoảng 15% trong cơ cấu GDP cả nước.
- Tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thuỷ sản bình quân từ 3,2 – 3,5%/năm
- Tốc độ tăng trưởng GTSX nông lâm thuỷ sản 4,3 – 4,7%/năm, trong đó nông nghiệp tăng 3,2%/năm, lâm nghiệp 3,5%/năm, thuỷ sản 7,5%/năm.
- Độ che phủ của rừng đạt 42 – 43% năm 2015, trên 43% năm 2020.
- Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt 30 tỷ USD, trong đó nông nghiệp 14 tỷ USD, lâm nghiệp 7 tỷ USD, thuỷ sản 9 tỷ USD.
- Giá trị sản lượng trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp BQ 70 triệu đồng.
1.3. Tầm nhìn đến năm 2030
- GDP nông nghiệp còn khoảng 10% tổng GDP cả nước.
- Tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thuỷ sản bình quân từ 3 – 3,2%/năm
- Tốc độ tăng trưởng GTSX nông, lâm, thuỷ sản BQ 4 – 4,3%/năm.
- Độ che phủ của rừng đạt 45% vào năm 2030.
- Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt 40 tỷ USD.
- Giá trị sản lượng trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp đạt BQ 85 triệu đồng.
- Diện tích đất lúa ổn định 3,8 triệu ha, đất chuyên lúa nước 3,2 triệu ha.
2. Nội dung quy hoạch phát triển nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn 2030
2.1. Phát triển sản xuất lương thực, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia kể cả trước mắt và lâu dài trên quan điểm sản xuất hàng hoá, hiệu quả
Bảo vệ quỹ đất lúa hiện có ít nhất 3,8 triệu ha, nhất là ở Đồng Bằng Sông Hồng, Đồng Bằng Sông Cửu Long. Đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi, sử dụng các giống lúa năng suất, chất lượng cao và áp dụng các công nghệ tiên tiến trong canh tác, chăm sóc, thu hoạch, chế biến để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh lúa trên thị trường quốc tế.
Mở rộng diện tích ngô bằng tăng diện tích vụ Đông ở Đồng Bằng Sông Hồng, tăng vụ trên đất một vụ lúa ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên... thâm canh ngô, sắn đáp ứng nguyên liệu cho CN chế biến thức ăn chăn nuôi.
2.2. Quy hoạch phát triển cây hàng năm chủ lực ngoài cây lương thực
a) Cây rau các loại: Diện tích đất phân bổ khoảng 400 ngàn ha, đưa hệ số sử dụng đất lên 2,5 lần, đồng thời sử dụng diện tích rau vụ Đông và tăng vụ trên đất khác, đảm bảo diện tích gieo trồng 1,2 triệu ha, với sản lượng 21 triệu tấn. Dự kiến phân bổ các tỉnh Trung du miền núi Phía Bắc 170 ngàn ha, Đồng bằng sông Hồng 260 ngàn ha, Bắc Trung Bộ 140 ngàn ha, Duyên Hải Nam Trung Bộ 80 ngàn ha, Tây Nguyên 110 ngàn ha, Đông Nam Bộ 120 ngàn ha, Đồng Bằng Sông Cửu Long 330 ngàn ha.
Đối với các vùng sản xuất rau tập trung hướng dẫn áp dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo vệ sinh thực phẩm.
b) Cây đậu tương: Diện tích đất bố trí khoảng 100 ngàn ha, vùng sản xuất chính là Đồng Bằng Sông Hồng, Tây Nguyên, Miền núi Phía Bắc. Đối với diện tích chuyên đưa hệ số sử dụng lên 2,5 lần và tận dụng tăng vụ trên đất lúa để năm 2020 diện tích gieo trồng vào khoảng 400 ngàn ha, sản lượng 800 ngàn tấn.
c) Cây lạc: Diện tích đất chuyên bố trí khoảng 150 ngàn ha và trên đất lạc – lúa để có diện tích gieo trồng 300 ngàn ha, sản lượng 800 ngàn tấn; phân bổ chủ yếu ở Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Miền núi Phía Bắc, ĐBSH.
d) Cây mía: diện tích đất bố trí ổn định 300 ngàn ha; trong đó vùng nguyên liệu các nhà máy 250 ngàn ha. Phân bổ 4 vùng trọng điểm 222 ngàn ha (chiếm 74%), bao gồm: DH Bắc Trung Bộ 80 ngàn ha, Duyên Hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên 53 ngàn ha, Đông Nam Bộ 37 ngàn ha, Đồng Bằng Sông Cửu Long 52 ngàn ha. Tập trung thâm canh đảm bảo có tưới, sử dụng giống có năng suất và trữ lượng đường cao và rải vụ, đưa năng suất mía năm 2020 đạt 80 tấn/ha.
e) Cây thức ăn chăn nuôi: Diện tích đất bố trí 300 ngàn ha, tăng so với hiện nay 241 ngàn ha (gấp 4 lần). Vùng sản xuất chính gắn với vùng chăn nuôi gia súc lớn: Miền Núi Phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Duyên Hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên.
2.3. Quy hoạch phát triển các cây công nghiệp lâu năm
a) Cây chè: Diện tích đất bố trí 135 ngàn ha; tăng thêm 5 ngàn ha so với năm 2009 ở các tỉnh Miền núi phía Bắc khoảng 4.000ha, Lâm Đồng 1.000ha. Hướng dẫn thực hiện quy trình sản xuất chè sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng các giống chè mới năng suất chất lượng cao trồng mới và tái canh.
b) Cây cà phê: Diện tích đất bố trí 550 ngàn ha (cà phê chè 60 ngàn ha, cà phê vối 490 ngàn ha); vùng sản xuất chính ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ.
c) Cây cao su: Diện tích đất bố trí 900 ngàn ha, tăng thêm khoảng 226 ngàn ha so với năm 2009; dự kiến sử dụng đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả khoảng 60 ngàn ha; đất chưa sử dụng khoảng 50 ngàn ha, xin chuyển đổi 150 ngàn ha rừng sản xuất nghèo để có 90 ngàn ha trồng cao su. Bố trí ở các vùng như sau: (1) Vùng Đông Nam Bộ: tiếp tục trồng mới 25 ngàn ha trên đất đang sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, ổn định diện tích 390 ngàn ha; (2) Vùng Tây Nguyên; tiếp tục trồng mới khoảng 110 ngàn ha trên đất đang sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả khoảng 20 ngàn ha, đất rừng sản xuất nghèo phù hợp khoảng 90 ngàn ha, để ổn định 300 ngàn ha; (3) Vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ: tiếp tục trồng mới 25 ngàn ha trên đất đang sản xuất nông nghiệp khoảng 5 ngàn ha, đất rừng tự nhiên là rừng sản xuất nghèo phù hợp 20 ngàn ha, để ổn định diện tích 50 ngàn ha; (4) Vùng Duyên Hải Bắc Trung Bộ: tiếp tục trồng mới 20 ngàn ha, chủ yếu sử dụng đất đang sản xuất nông nghiệp, để ổn định diện tích 80 ngàn ha; (5) Vùng Tây Bắc: dự kiến bố trí khoảng 80 ngàn ha.
d) Cây điều: Diện tích đất bố trí 400 ngàn ha, tăng thêm 22 ngàn ha so với năm 2009, chủ yếu sử dụng đất chưa sử dụng, các vùng trồng điều chính là Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Duyên Hải Nam Trung Bộ.
đ) Cây hồ tiêu: ổn định 50 ngàn ha như hiện nay, các vùng trồng chủ yếu: Bắc Trung Bộ 3,7 ngàn ha, Duyên Hải Nam Trung Bộ 1,3 ngàn ha, Tây Nguyên 14 ngàn ha, Đông Nam Bộ 30 ngàn ha, ĐBSCL 1 ngàn ha.
e) Cây dừa: ổn định diện tích 140 ngàn ha hiện có đến năm 2020, với 2 vùng sản xuất chính là Đồng Bằng Sông Cửu Long và Duyên Hải Nam Trung Bộ.
f) Cây ca cao: Diện tích 2020 bố trí 50 ngàn ha, với 4 vùng sản xuất chính là Đồng Bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Duyên Hải Nam Trung Bộ.
g) Nhóm cây nhiên liệu sinh học: chủ yếu là cây dầu mè (Jatropha), diện tích bố trí vào khoảng 300 ngàn ha, chủ yếu sử dụng diện tích đất đồi, đất cát, vùng khô hạn; ngoài ra chuyển một phần diện tích sắn hình thành vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến nhiên liệu sinh học. Vùng sản xuất chủ yếu là Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên Hải Nam Trung Bộ.
2.4. Quy hoạch phát triển cây ăn quả
Hướng tới sản xuất các loại cây ăn quả phải thực hiện quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), nhằm dáp ứng thoả mãn nhu cầu trong nước và xuất khẩu đang có nhu cầu rất lớn. Diện tích bố trí khoảng 1,1 triệu ha, trong đó 810 ngàn ha các loại cây ăn quả chủ lực như vải 140 ngàn ha, nhãn 140 ngàn ha, chuối 145 ngàn ha, xoài 110 ngàn ha, cam quýt 115 ngàn ha, dứa 55 ngàn ha, các loại cây ăn quả khác 290 ngàn ha.
Phân bổ quy hoạch theo các vùng như sau: Trung Du Miền Núi Phía Bắc 230 ngàn ha; Đồng Bằng Sông Hồng 90 ngàn ha, Duyên Hải Bắc Trung Bộ 85 ngàn ha, Duyên Hải Nam Trung Bộ 38 ngàn ha; Tây Nguyên 32 ngàn ha; Đông Nam Bộ 150 ngàn ha; Đồng Bằng Sông Cửu Long 380 ngàn ha.
2.5. Quy hoạch phát triển chăn nuôi
Phát triển các loại gia súc, gia cầm theo hướng hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, hình thức nuôi trang trại, nuôi công nghiệp quy mô lớn, gắn với các cơ sở giết mổ, chế biến và xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Lợn: Tập trung phát triển đàn lợn phù hợp với thị hiếu tiêu dùng trong nước. Phát triển nuôi lợn chất lượng cao ở một số vùng có lợi thế như Đồng Bằng Sông Hồng, các tỉnh trung du, Đông Nam Bộ... theo hướng sản xuất công nghiệp, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm để tham gia xuất khẩu. Dự kiến đàn lợn vào năm 2020 đạt 34 triệu con, sản lượng thịt hơi 4,8 triệu tấn.
- Trâu, bò: Phát triển đàn trâu chủ yếu để lấy thịt, năm 2020 vào khoảng 3,5 triệu con, các vùng chăn nuôi chính là Đồng Bằng Sông Cửu Long, các tỉnh miền núi, Bắc Trung Bộ. Phát triển đàn bò thịt có năng suất cao, thịt ngon, đáp ứng nhu cầu thịt, da, đưa tổng đàn bò năm 2020 vào khoảng 12 triệu con, với sản lượng thịt hơi khoảng 650 ngàn tấn. Mở rộng vùng nuôi bò sữa ven các đô thị có điều kiện và một số địa bàn có lợi thế, nâng quy mô đàn 2020 lên 500 ngàn con.
- Gia cầm: Phát triển gia cầm chủ yếu là gà, vịt hướng vào đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ trong nước là chủ yếu. Khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các vùng chăn nuôi gia cầm tập trung theo hình thức trang trại, doanh nghiệp tư nhân, nuôi công nghiệp, chủ động kiểm soát dịch bệnh hướng tới khống chế được dịch cúm gia cầm; gắn với xây dựng các cơ sở giết mổ, chế biến, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Dự kiến đến năm 2020 đàn gia cầm vào khoảng 360 triệu con; trong đó đàn gà 310 triệu con, sản lượng thịt hơi 2,5 triệu tấn và 14 tỷ quả trứng.
2.6. Quy hoạch phát triển lâm nghiệp
Quy hoạch diện tích đất lâm nghiệp đến năm 2020 khoảng 16 triệu ha; so với hiện nay cần trồng mới thêm 1,242 triệu ha; trong đó rừng sản xuất 7,8 triệu ha, cần phục hồi và trồng mới tăng thêm trên 1,22 triệu ha; rừng phòng hộ 6 triệu ha theo quy hoạch 3 loại rừng; rừng đặc dụng 2,2 triệu ha, cần trồng mới tăng thêm 145 ngàn ha.
a) Đối với rừng phòng hộ: 6 triệu ha chủ yếu là cấp xung yếu; gồm 5,6 triệu ha rừng phòng hộ đầu nguồn; 0,18 triệu ha rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển; 0,15 triệu ha rừng chắn gió, cát bay và 70.000ha rừng phòng hộ bảo vệ môi trường cho các thành phố lớn, khu công nghiệp và xây dựng các khu rừng phòng hộ biên giới, hải đảo.
- Với rừng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ, khôi phục và trồng thêm diện tích còn ở vùng núi phía Bắc (lưu vực sông Đà, sông Hồng, sông Lô, sông Gấm...); vùng DH Bắc Trung Bộ (lưu vực sông Mã, sông Cả, sông Gianh...); vùng DH Nam Trung Bộ (lưu vực sông Cái, sông Côn, sông Đà Rằng, sông Trà Khúc...); vùng Tây Nguyên (lưu vực sông Sê San, sông Ba, sông Đồng Nai...).
- Với rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển, chắn gió, chắn cát bay chủ yếu tập trung bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng ngập mặn ở vùng ven biển phía Bắc, DH Bắc Trung Bộ, DH Nam Trung Bộ, Đồng Bằng Sông Cửu Long; củng cố và phát triển rừng chống cát bay, chắn sóng ở các vùng ven biển miền Trung.
- Với rừng phòng hộ bảo vệ môi trường, tập trung phát triển ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hạ Long, Cần Thơ... và các khu công nghiệp như Dung Quất, Vũng Tàu, Biên Hoà, Bình Dương... Xây dựng rừng phòng hộ biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia.
b) Đối với rừng đặc dụng: Củng cố hệ thống rừng đặc dụng hiện có 2 triệu ha theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị đa dạng sinh học, đảm bảo đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đối với hệ sinh thái chưa có hoặc còn ít, phát triển thêm một vài khu mới ở vùng núi phía Bắc, DH Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và các vùng đất ngập nước ở đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ, với tổng diện tích khoảng 145 ngàn ha.
c) Đối với rừng sản xuất: Diện tích rừng sản xuất được quy hoạch đến năm 2020 vào khoảng 7,8 triệu ha, so với diện tích được công bố năm 2009 còn khoảng 1,5 triệu ha (năm 2009 là 6,3 triệu ha); trong đó có 0,125 ngàn ha đất rừng phòng hộ theo quy hoạch chuyển qua, 0,62 triệu ha rừng tự nhiên nghèo kiệt cần phục hồi, tái sinh và 800 ngàn ha trồng thêm trên đất lâm nghiệp chưa sử dụng. Trong 7,8 triệu ha quy hoạch rừng sản xuất, có 4,2 triệu ha rừng tự nhiên và 3,6 triệu ha rừng trồng.
2.7. Quy hoạch phát triển thuỷ sản
a) Về nuôi trồng thuỷ sản
Diện tích đất cho nuôi trồng thuỷ sản, bao gồm cả nước ngọt và nước lợ được bố trí là 790 ngàn ha, tăng so với hiện nay là 52 ngàn ha; trong đó, sử dụng đất bằng chưa sử dụng ven biển để nuôi trồng vào khoảng 7 ngàn ha và chuyển đổi đất trũng trồng lúa sang 45 ngàn ha. Cụ thể như sau:
- Đối với vùng nước ngọt: Ổn định diện tích nuôi trồng thuỷ sản với các loài cá truyền thống trên các vùng nông thôn miền núi để tăng nguồn thực phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ gia đình nông dân. Tập trung triển khai áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP đối với sản xuất cá tra công nghiệp, chuyển đổi một số diện tích đất lúa 1 vụ trên các địa bàn úng trũng sang nuôi tôm, cá ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Bằng Sông Hồng.
- Đối với vùng nước lợ: Bố trí quy hoạch hình thành các vùng nuôi công nghiệp tập trung có quy mô diện tích lớn theo tiêu chuẩn GAP phù hợp với từng thị trường, tạo sản lượng hàng hóa lớn phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước ở các khu vực đồng bằng sông Hồng, ven biển miền Trung và ĐBSCL, gắn với truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu thủy sản uy tín, chất lượng cao.
- Đối với nuôi nước mặn: Công bố quy hoạch các vùng nuôi biển tập trung gắn với các cơ sở sản xuất giống hải sản như: trai ngọc (Cô Tô, Phú Quốc), tu hài (Cát Bà, Quảng Ninh), bào ngư (Bạch Long Vĩ), tôm hùm (Phú Yên, Khánh Hoà), ốc hương, sò điệp... (ven biển miền Trung), cá cu (Đà Nẵng), cá giò, cá mú (Hải Phòng, Vũng Tàu, Côn Đảo)...
b) Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản
Tiếp tục đầu tư nghiên cứu điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường phục vụ khai thác hải sản. Tổ chức lại nghề khai thác hải sản trên biển trên cơ sở cơ cấu lại tàu thuyền, nghề nghiệp phù hợp với các vùng biển, tuyến biển, với môi trường tự nhiên, nguồn lợi hải sản, gắn với đầu tư nâng cấp, hiện đại hoá các cảng cá, bến cá, các khu neo đậu phòng tránh trú bão, các khu hậu cần dịch vụ nghề cá ven biển và trên các hải đảo. Mở rộng hoạt động khai thác trong khuôn khổ hợp tác quốc tế ngoài vùng biển Việt Nam.
2.8. Quy hoạch phát triển sản xuất muối
Bố trí ổn định diện tích muối 14.000ha (muối công nghiệp 8.500ha); sản lượng 2 triệu tấn vào năm 2020; trong đó muối công nghiệp 1,35 triệu tấn. Đầu tư hiện đại hoá các cánh đồng sản xuất muối chất lượng cao, đáp ứng nguyên liệu cho công nghiệp hoá chất và tiêu dùng trong nước, tiến tới xuất khẩu muối sạch.
3. Một số giải pháp chủ yếu
3.1. Thống nhất nhận thức về quan điểm, ý nghĩa, tầm quan trọng của quy hoạch phát triển ngành trong kinh tế thị trường
Các địa phương cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của phương án quy hoạch sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở điều chỉnh quy hoạch ngành trên địa bàn quản lý, hướng dẫn các hộ gia đình, các doanh nghiệp, trang trại triển khai thực hiện. Các doanh nghiệp chủ động tự xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu ổn định theo quy hoạch của ngành và của địa phương.
Việc thực hiện quy hoạch được duyệt phải gắn với các chương trình phát triển kinh tế, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ từ Trung ương đến các địa phương, có như vậy mới đảm bảo được hiệu quả của phương án quy hoạch ngành.
3.2. Phát triển thị trường và xúc tiến thương mại, nhằm đảm bảo đầu vào và đầu ra của nông, lâm, thuỷ sản để thực hiện các mục tiêu quy hoạch
Thực hiện tốt các cam kết với ASEAN trong lĩnh vực nông nghiệp; đặc biệt là an ninh lương thực, thú y, bảo vệ thực vật, thuỷ sản, lâm nghiệp; với WTO về kiểm dịch động thực vật, đầu tư, dịch vụ; các Hiệp định bảo vệ và kiểm dịch động thực vật, thú y đối với các nước nhập khẩu nông, lâm, thuỷ sản Việt Nam, tạo điều kiện thực hiện quy hoạch phát triển sản xuất kể cả đầu vào và đầu ra.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác xúc tiến thương mại để củng cố và phát triển các thị trường nông, lâm, thuỷ sản truyền thống, các thị trường lớn (EU, Nhật, Mỹ, Philippin, Indonêxia, IRaq...) và phát triển mở rộng các thị trường Đông Âu, Trung Đông, Trung Quốc, Hàn Quốc... nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản thực hiện các mục tiêu sản lượng trong quy hoạch.
Đề nghị Nhà nước tăng cường đầu tư cho các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực (lúa gạo, cà phê, cao su, chè, điều, cây ăn quả, tôm, cá tra, ba sa...) ở các thị trường lớn (triển lãm, hội chợ, tuyên truyền, quảng cáo...). Nâng cao năng lực thông tin thị trường, thương mại nông, lâm, thuỷ sản cho các doanh nghiệp, cán bộ quản lý và người sản xuất.
Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và tiêu chuẩn chất lượng cho các sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản xuất khẩu chủ lực; đáp ứng yêu cầu về chất lượng, mẫu mã và quy cách của các nước nhập khẩu.
Phát triển, mở rộng thị trường nội địa, nhất là khu du lịch, đô thị, khu dân cư lớn.
Các địa phương hướng dẫn các doanh nghiệp phối hợp với cơ quan chức năng quy hoạch, đầu tư các vùng nguyên liệu, thực hiện ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với người sản xuất, tạo nguồn hàng ổn định cho chế biến và xuất khẩu.
3.3. Tăng đầu tư cho nghiên cứu và chuyển giao KHCN, đào tạo nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho người sản xuất thực hiện có hiệu quả quy hoạch
Đề nghị Nhà nước tăng thêm đầu tư ngân sách cho nghiên cứu, chuyển giao khoa học – công nghệ để nông, lâm, diêm nghiệp và thuỷ sản thực hiện được nhiệm vụ phát triển sản xuất theo quy hoạch được duyệt.
Trước hết ưu tiên đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học và các công nghệ cao để chọn, tạo ra nhiều giống cây trồng, giống vật nuôi và giống thuỷ sản sạch bệnh, năng suất, chất lượng cao và quy trình nuôi trồng, bảo quản, chế biến, tạo đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Đầu tư nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất ngư cụ, máy móc, cơ khí nông, lâm, thuỷ sản.
Tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực và thế giới về khoa học công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất, phòng chống dịch bệnh, bảo quản, chế biến nông, lâm, thuỷ sản; khai thác hải sản, cơ khí đóng tàu, máy tàu, thiết lập hệ thống thông tin quản lý nghề cá biển.
Đổi mới chính sách khoa học, công nghệ, nhất là chính sách đãi ngộ theo hướng khuyến khích và phát huy tốt các nguồn lực khoa học – công nghệ, thu hút các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.
Tăng cường năng lực của hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư theo Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 1 năm 2010 của Chính phủ; hệ thống bảo vệ thực vật, thú y, các dịch vụ khác phục vụ sản xuất nông, lâm, thuỷ sản. Sử dụng lực lượng cán bộ của các tổ chức nghiên cứu khoa học, trường đào tạo và cán bộ nông vụ của các doanh nghiệp vào công tác khuyến nông; hỗ trợ và tạo điều kiện cho các xã hình thành câu lạc bộ khuyến nông xã, thôn. Phát triển nhanh các khu sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản công nghệ cao.
Tập trung đào tạo cán bộ có chuyên môn cao, cán bộ khoa học và quản lý; xã hội hoá trong việc đào tạo nghề cho nông dân đảm bảo tiếp cận được các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và khai thác các nguồn tài nguyên, sử dụng các thiết bị, máy móc thực hiện cơ giới hoá các khâu sản xuất, bảo quản, chế biến, quản lý và xây dựng các công trình thuỷ lợi.
3.4. Đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp và thuỷ sản theo quy hoạch
- Về thuỷ lợi: Bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch phát triển thuỷ lợi các vùng, các lưu vực sông phục vụ đa mục tiêu, đáp ứng nhu cầu nước cho sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, chống úng ngập, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống thuỷ lợi hiện có; đầu tư dứt điểm cho từng hệ thống, nâng cấp, hiện đại hoá công trình đầu mối, kênh mương, thiết bị điều khiển vận hành để phát huy năng lực thiết kế và nâng cao năng lực phục vụ.
Tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi nhỏ ở các vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo cấp nước tưới và phục vụ sinh hoạt. Phát triển thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản, công nghiệp, sinh hoạt, cải tạo môi trường vùng ven biển. Đầu tư xây dựng các công trình lớn để điều tiết lũ, kiểm soát triều, ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng, hạn chế các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Phát triển các tổ chức dùng nước của nông dân, xây dựng cơ chế bảo vệ, quản lý, vận hành hiệu quả hệ thống thuỷ lợi và tiết kiệm nguồn nước, nâng hiệu suất sử dụng công suất thiết kế các công trình đã có.
Đến năm 2020, cấp đủ nước để khai thác 9,5 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó có 6,05 triệu ha cây hàng năm (riêng đất lúa khoảng 3,8 triệu ha); 2,2 triệu ha cây lâu năm; cấp nước cho nuôi trồng thuỷ sản 0,79 triệu ha, trong đó 80% diện tích nuôi trồng được cấp nước chủ động.
- Về giao thông nông thôn: thực hiện quy hoạch hệ thống, nối liền giữa giao thông nông thôn với tỉnh lộ, quốc lộ hướng tới mục tiêu thúc đẩy phát triển sản xuất, lưu thông hàng hoá.
Ưu tiên làm đường ở các vùng cao, miền núi, nhất là các huyện, xã có tỷ lệ nghèo trên 50%, đảm bảo đến năm 2020, hệ thống giao thông tương ứng các vùng khác tạo điều kiện phát triển sản xuất hàng hoá.
Mở mang hệ thống giao thông lên các vùng gò đồi, tạo điều kiện để phát triển các khu công nghiệp, các đô thị mới mà không ảnh hưởng đến đất canh tác nông nghiệp thuần thục.
- Phát triển hạ tầng thuỷ sản: Quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho các vùng nuôi, bao gồm đê bao, kênh cấp và thoát nước cấp I, cống và trạm bơm lớn. Đầu tư các Trung tâm quan trắc và cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng thuỷ sản tại 3 miền Bắc Trung Nam.
Đầu tư hệ thống các khu neo đậu tránh trú bão, bao gồm cả cấp vùng và các khu neo đậu tránh trú bão do địa phương quản lý. Đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng hệ thống các cảng cá gồm cầu cảng, cầu bến và cơ sở hậu cần thiết yếu đảm bảo cho hoạt động nghề cá tại các ngư trường trọng điểm.
- Phát triển hạ tầng nông nghiệp: Tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực hệ thống cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ, nhất là chọn, tạo, sản xuất giống cây, con; bảo vệ thực vật, thú y, kiểm tra chất lượng giống, phân bón, sản phẩm nông nghiệp.
- Phát triển hạ tầng lâm nghiệp: Phát triển hệ thống đường lâm nghiệp tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đầu tư nâng cao năng lực hệ thống các cơ sở nghiên cứu về lâm sinh, rừng giống, vườn giống quốc gia; cảnh báo thiên tai đa mục tiêu (cảnh báo cháy rừng, lũ quét kết hợp đo đếm số liệu khí tượng thuỷ văn).
- Phát triển hạ tầng phục vụ thương mại: Phát triển hệ thống bưu cục, hệ thống điện thoại, điểm bưu điện – văn hoá xã đạt 100% năm 2020; tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận với internet là 30%.
Nhà nước tạo điều kiện và hỗ trợ các xã xây dựng; đầu tư phát triển hệ thống các chợ đầu mối bán buôn nông, lâm, thuỷ sản, các chợ đường biên, các chợ khu vực theo quy hoạch chợ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đầu tư các trung tâm bán buôn ở các vùng nông lâm thuỷ sản hàng hoá tập trung.
3.5. Tiếp tục đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn để thực hiện sản xuất kinh doanh theo quy hoạch
Tạo điều kiện cho kinh tế hộ gia đình phát triển sản xuất hàng hoá theo hướng mở rộng quy mô trang trại; hỗ trợ hộ nghèo vươn lên xoá nghèo và từng bước làm giàu. Khuyến khích phát triển liên kết hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khoa học, Hiệp hội ngành hàng trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Thực hiện các chính sách thúc đẩy phát triển nhanh kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn, để có điều kiện đầu tư sản xuất theo quy hoạch gắn với thị trường.
Hoàn thành căn bản việc chuyển đổi doanh nghiệp sang cổ phần hoá, nhất là các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp, gắn quyền lợi của các doanh nghiệp với lợi ích của nông dân, chủ động đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu theo quy hoạch, hướng dẫn nông dân sản xuất theo khoa học nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tổ chức thu mua, chế biến và tiêu thụ.
IV. KẾT LUẬN
Đến năm 2020 ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại và bền vững, có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của đất nước và có vị trí cao trong nông nghiệp thế giới, cụ thể như sau: Ngành trồng trọt duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, tập trung tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành, đảm bảo an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và xuất khẩu hàng hoá với gái trị cao; Ngành chăn nuôi đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Ngành lâm nghiệp quản lý và phát triển rừng bền vững; Ngành thuỷ sản phát triển tạo bước đột phá, tăng nhanh tỷ trọng GTSX trong cơ cấu nông nghiệp; Ngành diêm nghiệp đảm bảo sản xuất muối có hiệu quả và bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm muối tiêu dùng trong nước, giảm dần nhập khẩu.
Định hướng đến năm 2030 ngành nông nghiệp phát triển theo hướng kinh tế trí thức, nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hoá, điện khí hoá, thuỷ lợi hoá, sinh học hoá trong nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và xuất khẩu hàng hoá với giá trị cao.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam đến năm 2020
2. Chiến lược phát triển thuỷ sản Việt Nam đến năm 2020
3. Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi Việt Nam đến năm 2020
4. Quy hoạch tổng thể sử dụng đất lúa toàn quốc đến năm 2020, tầm nhìn 2030
SUMMARY
Vietnam Agriculture recent years has taken steps powerful development. From a subsistent country in agricultural production turned to exporting country in the region and the world with export products in the high ranking on the world, food security is guaranteed, rice export large quantities. The quality of Farm produce improved in recent years, quatity of safety farm produce more and more. However agriculture still some issues that need to overcome is: Distribution of agricultural production is not reasonable, lack of cooperation to develop between regions and the manufacturing sector; some agricultural exports has increased in quantity and quality, but the income of farmers in the the production of goodsincreased slowly. agricultural products quality and competitiveness in the market is low; production is closely linked to processing and consumption; some agricultural products not ensure safety. In the structure of agriculture, farming still accounts for a large percentage; agricultural exports mainly raw materials, so the low efficiency.System policy mechanisms are insufficient, weak, overlap and less effective lead to implementation of the planning inconsistencies.