Thành công bước đầu từ dự án giống Lâm nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2010-2015
Xuân Thinh - 24/04/2013 12:00:00 SA
Từ năm 2010, nhằm cụ thể hóa Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020 theo Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 62/2006/QĐ-BNN ngày 16/8/2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt Chiến lược phát triển giống cây lâm nghiệp giai đoạn 2006 - 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án đầu tư phát triển giống lâm nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2010-2015 tại Quyết định số 2815/QĐ-UBND ngày 30/10/2009.
Mục tiêu chung của dự án là nhằm nâng cao năng lực chọn tạo và nhân giống, áp dụng công nghệ sản xuất giống để tạo ra nhiều giống tốt có năng suất, chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý, góp phần khôi phục và mở rộng quy mô gây trồng một số loài cây trồng rừng kinh doanh gỗ (03 loài) và đặc sản rừng (06 loài) có giá trị kinh tế; sau năm 2015, có nguồn giống chất lượng cao đáp ứng nhu cầu trồng rừng kinh doanh gỗ và đặc sản, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng của tỉnh Thái Nguyên và một số tỉnh miền núi phía Bắc lên 10 – 20%.
Dự án được triển khai thực hiện trên địa bàn Thành phố Thái Nguyên, huyện Đại Từ, huyện Phú Lương và huyện Định Hóa; trong đó, nội dung đầu tư cơ sở vật chất thực hiện chủ yếu tại Trường Đại học Nông lâm - Đại học Thái Nguyên. Các hạng mục chính được đầu tư gồm: rừng giống Keo tai tượng, rừng giống Xoan, vườn cây đầu dòng, khu nuôi cây mô tế bào, kho bảo quản giống, phòng kiểm nghiệm giống, vườn ươm sản xuất cây giống.
Qua 03 năm triển khai, dự án đầu tư phát triển giống cây lâm nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã đạt được những kết quả rất quan trọng, cụ thể như:
* Về xây dựng cơ bản: Dự án đã hoàn thành việc xây dựng các hạng mục công trình tại Thành phố Thái Nguyên bao gồm: Vườn giống cây đầu dòng với diện tích 3,5ha; cơ sở sản xuất cây giống chất lượng cao 1,5 ha. Đặc biệt, nội dung quan trọng nhất là xây dựng thành công Khu Nuôi cấy mô tế bào, Kho bảo quản hạt giống, Phòng kiểm nghiệm giống với tổng diện tích 500m2 (250m2/sàn).
Dự án cũng đã hoàn thành xây dựng hệ thống vườn ươm tại Công ty Lâm nghiệp Đại Từ (huyện Đại Từ) và vườn ươm tại huyện Phú Lương với các hạng mục như: San lấp mặt bằng, xây dựng nhà bảo vệ, nhà kho, bếp ăn; xây dựng nhà đóng bầu, kho chứa, đường nội bộ,… theo đúng nội dung dự án đã đề ra và đạt chất lượng.
* Về kết quả thực hiện hạng mục lâm sinh: Căn cứ kế hoạch được phê duyệt, Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp vùng núi phía Bắc thuộc Trường Đại học Nông lâm - Đại học Thái nguyên đã thực hiện các hạng mục lâm sinh theo đúng quy trình kỹ thuật và tiến độ của dự án. Trong đó:
- Xây dựng thành công Khu khảo nghiệm giống với diện tích 1,2 ha, với tổng số cây trồng 1.680 cây các loài Keo của 9 dòng: BV10, BV16, BV32, BV33, BV71, BV73, BV75 và 02 dòng Keo đối chứng 21035, 21072 và 09 dòng Bạch đàn: U6, UP100, UP26, UP35, UP54, UP72, UP99, U34.2, U89.2
- Xây dựng thành công rừng giống Xoan với diện tích 3,5 ha với cây giống được gieo ươm từ hạt, thu hái từ 25 cây trội tốt nhất tuyển chọn từ tỉnh Thanh Hóa.
- Xây dựng thành công rừng giống keo tai tượng với diện tích 7,5 ha. Cây giống Keo tai tượng được gieo ươm từ hạt, được thu hái từ vườn giống tốt nhất tại AUSTRALIA, bao gồm các dòng 21035, 21072 và 21075.
- Xây dựng được vườn giống cây đầu dòng, với diện tích 3,5 ha, bao gồm 9 loài cây: Keo lai, Bạch đàn trắng, Bạch đàn đỏ, Trám trắng, Trám đen, Tre mai, Mây nếp, Ba kích, Sa nhân.
Năm 2013, dự án sẽ tiếp tục triển khai hoàn chỉnh các hợp phần còn lại. Dự kiến giai đoạn sau năm 2020, mỗi năm có thể cung cấp 12 triệu cây giống có phẩm chất di truyền tốt, đáp ứng nhu cầu trồng 7.500 ha rừng gỗ và cây đặc sản các loại, trong đó: Keo tai tượng: 3.000 ha, Keo lai: 700 ha, Mỡ : 600 ha, Xoan: 400 ha, Bạch đàn trắng: 400ha, Bạch đàn đỏ: 400ha; Trám trắng: 400ha, Trám đen: 400ha, Mây nếp: 500ha, Ba kích: 300 ha, Sa nhân tím: 300 ha, Tre mai: 200 ha. Đồng thời có thể cung cấp hạt giống Keo tai tượng, Mỡ và Xoan cho cả tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh lân cận.
Sự thành công bước đầu của dự án được đánh giá là do quá trình chuẩn bị đã định hướng đúng đối tượng cây lâm nghiệp để xây dựng dự án; các đơn vị tham gia dự án phối hợp triển khai nhịp nhàng… Vấn đề tiếp theo góp phần cho sự thành công của dự án là các đơn vị tiếp nhận công trình tổ chức vận hành, khai thác cơ sở vật chất được đầu tư một cách hiệu quả.
Tin mới hơn
Tin cũ hơn
|