Tin tức
Liên kết website
Đầu tư trực tiếp nước ngoài với phát triển nông nghiệp Việt Nam
Trần Gia Long - 17/05/2013 12:00:00 SA       
Sau 25 năm thực hiện chính sách mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài với việc ban hành Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) ngày càng phát huy vai trò quan trọng và có những đóng góp đáng kể trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Việc thu hút, sử dụng ĐTNN thời gian qua cơ bản đã đáp ứng những mục tiêu đề ra về thu hút vốn, thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động, tiếp thu công nghệ và kinh nghiệm quản lý hiện đại. Điều này khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế. Tính đến tháng 01/2013, cả nước có 14.522 dự án ĐTNN còn hiệu lực, vốn đăng ký 210,5 tỷ USD, vốn thực hiện 100,6 tỷ USD, chiếm 47,7% vốn đăng ký (Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2013), Hội nghị Tổng kết 25 năm ĐTNN tại Việt Nam). ĐTNN là khu vực phát triển năng động nhất với tốc độ tăng GDP cao hơn tốc độ tăng trưởng cả nước: năm 1995, GDP của khu vực ĐTNN tăng 14,98% trong khi GDP cả nước tăng 9,54%; tốc độ này tương ứng là 11,44% và 6,79% (2000), 13,22% và 8,44% (2005), 8,12% và 6,78% (2010). Tỷ trọng đóng góp của khu vực ĐTNN trong GDP tăng từ 2% (1992), lên 12,7% (2000) và 18,97% (2011). So sánh với trung bình thế giới, đóng góp của khu vực ĐTNN vào GDP của Việt Nam cao hơn 7,7 điểm %, cho thấy ảnh hưởng của ĐTNN đối với nền kinh tế Việt Nam là khá lớn. Trong những năm qua, ĐTNN vào ngành nông nghiệp & PTNT đạt được những thành tựu nhất định, bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển cho ngành nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa sản phẩm, thay đổi các phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống bằng các phương thức sản xuất mới quy mô lớn hơn, tiếp thu và ứng dụng công nghệ mới, nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của hàng hóa nông sản, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Đầu những năm 1990s, ĐTNN tập trung chủ yếu vào các dự án chế biến gỗ và các loại lâm sản, chiếm 9,4% tổng vốn đăng ký ĐTNN của Việt Nam. Từ năm 1995, ĐTNN có sự chuyển dịch sang lĩnh vực trồng trọt, chế biến nông lâm thủy sản, sản xuất đường mía, thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi gia súc gia cầm, trồng rừng và sản xuất nguyên liệu giấy, dịch vụ hậu cần kho lạnh, vận chuyển… Từ năm 2010, theo cách phân loại mới, các dự án ĐTNN chế biến nông lâm thủy sản ghép lại với các dự án ĐTNN chế biến khác, làm cho vốn ĐTNN vào ngành nông nghiệp giảm nhiều cả về giá trị và tỷ trọng. Đến tháng 01/2013, số lượng lũy kế các dự án trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp còn hiệu lực là 493 dự án, với số vốn đăng ký là 3,2 tỷ USD (chiếm 1,52% tổng vốn ĐTNN đăng ký của cả nước). Đến nay, có 34 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án còn hiệu lực đầu tư vào ngành nông nghiệp, đứng đầu là Đài Loan. Các đối tác châu Á (Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan) chiếm khoảng 55% tổng vốn đăng ký. Các đối tác EU đáng kể gồm có British VirginIslands (10%), Pháp (7%). Các đối tác Hoa Kỳ, Canada, Úc chiếm tỷ trọng đầu tư nhỏ. Bình Dương là một trong 5 địa phương thu hút được nhiều vốn ĐTNN nhất cả nước, có 2.093 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 17,12 tỷ USD1; đồng thời là địa phương thu hút nhiều dự án nhất, vốn ĐTNN cao nhất nhất trong ngành nông nghiệp cả nước, nhưng lĩnh vực nông lâm nghiệp cũng chỉ chiếm 0,72% số dự án và 1,18% tổng vốn ĐTNN vào tỉnh. Tiếp theo là tỉnh Lâm Đồng và thành phố Hồ Chí Minh… Như vậy, dòng vốn ĐTNN vào ngành nông nghiệp còn hạn chế, quá nhỏ cả về quy mô dự án và tỷ trọng vốn đầu tư so với tổng vốn ĐTNN của Việt Nam. Mặc dù, nông nghiệp luôn được coi là lĩnh vực khuyến khích và đặc biệt khuyến khích đầu tư; song so với các ngành khác, hiệu quả thực hiện các dự án rất hạn chế, thiếu ổn định và có xu hướng giảm, trong khi xu thế ĐTNN vào nông nghiệp của thế giới tăng. Nguyên nhân là: (i) Đầu tư vào nông nghiệp mang tính rủi ro cao, chịu ảnh hưởng của khí hậu, thời tiết, dịch bệnh, sử dụng nguồn lực đất đai lớn; (ii) Nông nghiệp Việt Nam mang nặng tính sản xuất nhỏ, tự cung, tự cấp, ruộng đất manh mún, đầu tư phân tán, thiếu chuyên nghiệp; (iii) Đầu tư có lợi nhuận thấp, tốc độ và thời gian thu hồi vốn chậm; xúc tiến đầu tư trong chưa hiệu quả, thiếu nguồn lực, chưa kết nối đầy đủ toàn quốc, toàn ngành; (iv) Định hướng chính sách chưa đồng bộ và thiếu rõ ràng, chưa thực sự hấp dẫn Nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam cần tận dụng triệt để các lợi thế: về tự nhiên, nông dân cần cù lao động, dân số đông sức mua lớn, ổn định chính trị. Việt Nam được thế giới biết đến là nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp, là nước xuất khẩu nông lâm thủy sản hàng đầu thế giới tới trên 170 quốc gia và vùng lãnh thổ (gạo, cao su, cà phê, chè, tiêu, điều, thủy sản, sản phẩm gỗ…). Xuất khẩu nông sản liên tục tăng trong hơn 20 năm qua, năm 2012 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 27,5 tỷ USD, tăng 9,7% so với năm 2011, thặng dư thương mại đạt trên 10,6 tỷ USD, góp phần giảm nhập siêu cho cả nước, với hàng chục mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Việt Nam đang bước vào giai đoạn thực thi mạnh mẽ các cam kết quốc tế, do đó môi trường pháp lý minh bạch hơn, bình đẳng hơn, mức độ mở cửa cao hơn. Định hướng thu hút ĐTNN vào ngành nông nghiệp & PTNT trong thời gian tới là: tập trung vào dự án ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả đất đai; tăng cường liên kết các doanh nghiệp trong nước; thu hút đầu tư vào ngành bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản, nhất là bảo quản sau thu hoạch nhằm tăng sức cạnh tranh, giá trị gia tăng cho sản phẩm và khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá toàn cầu. Muốn vậy, phải thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp sau: Một là, hoàn thiện các văn bản pháp lý theo hướng thông thoáng, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi và ưu đãi cao nhất cho Nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nông lâm thủy sản. Bộ phối hợp với Bộ Kế hoạch & Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 61/2010/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hướng thúc đẩy đầu tư qua mô hình đối tác công tư (PPP) và trong bối cảnh triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp khi được Chính phủ phê duyệt. Hai là, hoàn thành xây dựng Danh mục dự án kêu gọi ĐTNN vào ngành nông nghiệp giai đoạn 2011-2015 và đến năm 2020, làm căn cứ cho công tác xúc tiến đầu tư của Bộ. Ba là, chú trọng đa dạng hóa các hình thức đầu tư khác ngoài ĐTNN, trong đó có đầu tư công tư. Bộ khuyến khích các địa phương, các thành phần kinh tế và các đối tác phát triển chủ động vào các hoạt động đầu tư, tư vấn kỹ thuật, góp ý xây dựng chính sách, tạo điều kiện để nông dân tham gia hiệu quả hơn vào hoạt động sản xuất và phát triển./. ________________________________________ Trần Gia Long
Tin mới hơn
Tin cũ hơn
TIN NỔI BẬT