Phát triển hiệu quả hệ thống canh tác tôm – lúa các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Lê Bích Lan - 22/06/2013 12:00:00 SA
Mô hình sản xuất tôm - lúa ở các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một phương thức canh tác độc đáo được phát triển mạnh trong 5 năm gần đây. Người nông dân canh tác lúa – tôm đã biến những hạn chế từ bao đời nay là “nước mặn xâm nhập trong mùa khô” thành nguồn lợi quý giá để phát triển sản xuất, tăng thu nhập và cải thiện đời sống.
Theo các chuyên gia, tiềm năng và lợi thế của việc phát triển hệ thống canh tác tôm - lúa ở khu vực này rất lớn. Hiện nay, diện tích sản xuất tôm - lúa đạt khoảng 160 ngàn ha, dự kiến đến năm 2015 đạt 180 ngàn ha. Năm 2020 phấn đấu đạt diện tích 200 ngàn ha và sẽ đóng góp thêm khoảng 800 ngàn tấn lúa trong tổng sản lượng lúa toàn vùng ĐBSCL.
Mặt mạnh của mô hình sản xuất tôm - lúa là tạo ra sản phẩm sạch, có điều kiện thuận lợi để phát triển các giống lúa chất lượng cao, an toàn theo phương pháp hữu cơ hoặc VietGAP/GlobalGAP và nâng cao giá trị hàng hóa cho cả tôm và lúa.
Mô hình này sản xuất ra nhiều loại sản phẩm, ngoài sản phẩm chính là lúa và tôm còn có thể tận dụng nguồn lực để xen canh các loại cây trồng và thủy sản khác; do đó, có tính bền vững hơn về mặt kinh tế và hiệu quả đầu tư, ổn định và tăng thu nhập cho người sản xuất trước những ảnh hưởng tiêu cực khi có biến động giá cả, thị trường.
Hệ thống canh tác tôm - lúa sử dụng hợp lý và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với điều kiện tự nhiên, thời tiết, khí tượng thủy văn, nguồn nước và hạn chế sử dụng hóa chất độc hại. Mô hình này ngoài việc tăng giá trị lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích từ tôm - lúa (lợi nhuận trung bình cao hơn từ 15 – 30% so với mô hình độc canh lúa hoặc tôm) còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái trong vùng.
Mức độ tái sử dụng tài nguyên sinh học khá cao, các chất thải sau một vụ tôm được cây lúa chuyển hóa và hấp thụ đã góp phần giảm mức phân bón sử dụng trong giai đoạn đầu. Sau một vụ lúa, các loại rơm rạ bị phân hủy tạo môi trường sống và nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm trong vụ nuôi tiếp theo. Nhờ đó, mô hình này góp phần làm giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và lợi nhuận.
Ngoài ra, canh tác lúa trên vùng nuôi tôm là cách rửa mặn tích cực vào mùa mưa, hạn chế quá trình mặn hóa, kéo dài tuổi thọ sử dụng đất.
Nhiều tỉnh ven biển ĐBSCL đã xây dựng được quy trình canh tác tôm – lúa phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương từ thời vụ, cơ cấu giống chất lượng cao và có khả năng chịu mặn đến việc sử dụng phân bón hợp lý và phòng trừ dịch hại an toàn.
Những tỉnh có diện tích canh tác tôm – lúa lớn như Cà Mau, Bạc Liêu đã có quy hoạch và định hướng phát triển đến năm 2015, 2020 đồng thời đề ra các giải pháp nhằm đảm bảo phát triển hệ thống này một cách bền vững.
Một số thương hiệu gạo đã nổi lên từ mô hình sản xuất tôm – lúa tại các địa phương. Tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng vùng lúa trên khu vực nuôi tôm đạt chứng nhận GlobalGAP với giống lúa thơm ST20 (tại HTX Hòa Lời) được thị trường ưa chuộng. Tỉnh Trà Vinh phát triển mạnh vùng tôm - lúa trên cù lao Long Hòa sản xuất gạo hữu cơ dành cho thị trường xuất khẩu gạo cao cấp trong nhiều năm qua. Từ vùng đất nguyên thủy ngập nước của huyện U Minh (tỉnh Cà Mau), Công ty CP&TM Viễn Phú - Green Farm đã đầu tư trồng lúa nước theo quy trình khép kín đạt chuẩn quốc tế, tạo ra nhãn hiệu gạo hữu cơ Hoa Sữa (gồm 4 loại đen, tím, đỏ, trắng) có màu sắc và mùi vị hấp dẫn, có hàm lượng dinh dưỡng và khoáng chất cao gấp nhiều lần so với gạo thông thường…
Việc phát triển sản xuất tôm - lúa bền vững tận dụng nguồn đất, nước và sử dụng tối ưu các nguồn lực góp phần tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời mở ra một thị trường tiêu thụ nông sản chất lượng cao, làm phong phú nguồn nông sản xuất khẩu và nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa.
Việc khai thác và phát triển sản xuất tôm - lúa cần được tiếp tục thực hiện với những định hướng rõ về quy hoạch vùng sản xuất, giống lúa, chất lượng tôm và khai thác các hoạt động sản xuất khác như trồng rau, màu và nuôi các loại thủy sản để tăng hiệu quả sản xuất; trong đó cần chú trọng đến các yếu tố thời vụ, chất lượng giống, phương pháp canh tác đạt tiêu chuẩn GAP và xây dựng thương hiệu vùng sản xuất tôm - lúa.
Để đảm bảo mô hình này phát triển bền vững và tạo ra những sản phẩm sạch, chất lượng cao, cần có: sự hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền về cơ chế, chính sách cho bà con nông dân để đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng quy trình sản xuất an toàn; sự tham gia của các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu để phát huy tối đa ưu thế của mô hình tôm – lúa; sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và bà con nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm;…
Với sự quan tâm của cả các cấp, các ngành, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và bà con nông dân, chắc chắn mô hình canh tác tôm – lúa sẽ có bước phát triển đột phá, tạo ra một bước ngoặt mới trong phát triển kinh tế ở vùng ven biển ĐBSCL.
Tin mới hơn
Tin cũ hơn
|