Tin tức
Liên kết website
Đánh giá kết quả phát triển sản xuất (2011 - 2013) trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
Trần Gia Long - 05/06/2013 12:00:00 SA       
Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới được phê duyệt triển khai thực hiện theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ, sau 3 năm thực hiện đã đạt được những thành tựu quan trọng. Trong 19 tiêu chí và 11 nội dung bao phủ hầu hết các lĩnh vực của phát triển nông thôn, nổi bật lên một số nội dung quan trọng nhưng khó đạt tới nhất là: phát triển sản xuất nông nghiệp và tăng thu nhập cho cư dân nông thôn, xây dựng nếp sống văn hóa mới, bảo vệ môi trường bền vững và xóa đói giảm nghèo. Nội dung phát triển sản xuất và tăng thu nhập cho cư dân nông thôn vừa là mục tiêu, vừa giải pháp căn cơ quyết định thành công, bền vững của chương trình nông thôn mới. Theo báo cáo số 1532/BNN-KH ngày 10/5/2013 của Bộ Nông nghiệp & PTNT về sơ kết ba năm thực hiện các chương trình MTQG: Các địa phương trong cả nước đã hỗ trợ trên 1.600 tỷ đồng để thực hiện hơn 7.000 mô hình sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất từ 15 - 20%. Một số phong trào nổi bật về phát triển sản xuất là việc dồn điền, đổi thửa gắn với quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa; xây dựng “cánh đồng mẫu lớn”, “cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp”. Một số tỉnh đã có chính sách hỗ trợ nông dân phát triển cơ giới hoá (như Thái Bình); tập trung phát triển cây trồng, vật nuôi theo lợi thế hoặc có chính sách hỗ trợ lãi suất cho nông dân, doanh nghiệp xây dựng các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như TP.Hồ Chí Minh. Phong trào “Cánh đống mẫu lớn” bắt đầu xuất hiện từ An Giang và đã lan rộng ra nhiều địa phương khác như Đồng Tháp, Sóc Trăng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nội. Tại các xã điểm của một số địa phương như Đồng Tháp, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Lâm Đồng, Hà Tĩnh, Thái Bình, Hà Nội... đã xuất hiện nhiều mô hình cây trồng với giá trị cao (đạt trên 150 triệu đồng/ha). Thành tựu phát triển sản xuất đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn, làm cho tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn ước giảm 2% (cả nước giảm 1,75% - Theo Bộ lao động Thương binh và Xã hội). Ở khu vực nông thôn, tình hình thiếu đói giáp hạt đã giảm đáng kể, năm 2012 so với năm 2011 giảm 27,6% về lượt hộ và giảm 26,9% về lượt nhân khẩu (theo báo cáo số 145/BC-TCTK ngày 24/12/2012 của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế xã hội tháng 12 và năm 2012). Một số hạn chế: công tác quy hoạch phát triển sản xuất cấp xã chưa gắn kết với quy hoạch vùng nên cơ cấu sản xuất ở nhiều xã còn mang nặng tính tự phát; liên kết sản xuất giữa nông dân - doanh nghiệp và nhà khoa học chưa chặt chẽ; công tác tập huấn, đào tạo nông dân còn bất cập. Do đó chưa hình thành được nhiều vùng nông sản hàng hóa tập trung. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn thấp và hiện chưa có con số thống kê cụ thể về chỉ tiêu này làm căn cứ xây dựng chính sách hỗ trợ tăng thu nhập cho cư dân nông thôn. Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình trong thời gian tới trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn hẹp và nông dân đang phải vượt qua những khó khăn của suy giảm kinh tế, đồng thời tránh chú trọng quá nhiều vào xây dựng kết cấu hạ tầng và khắc phục tâm lý trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn của nhà nước; cần tập trung ưu tiên cho nội dung phát triển sản xuất, tạo việc làm tăng thu nhập. Muốn vậy, các Bộ ngành theo nhiệm vụ được phân công, khẩn trương rà soát, bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách và các văn bản hướng dẫn thực hiện để thu hút mọi nguồn lực, các thành phấn kinh tế đầu tư về nông thôn, đầu tư vào nông nghiệp, huy động liên kết công tư (PPP) bằng các giải pháp thiết thực: (i) Phát huy lợi thế ngành và địa phương, phát triển các chuỗi giá trị hàng hóa; (ii) Đẩy mạnh chế biến nông lâm thủy sản; (iii) Áp dụng khoa học công nghệ hiện đại, phù hợp; (iv) Phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn; (v) Hỗ trợ tài chính và tín dụng; (vi) Hỗ trợ tiếp thị và phát triển thị trường… Bên cạnh đó, cần hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tăng thu nhập: (i) Công khai quy hoạch ngành, sản phẩm, định hướng cho nông dân và các tổ chức sản xuất căn cứ vào tín hiệu của thị trường để quyết định sản xuất; (ii) Hệ thống khuyến nông, khoa học công nghệ hỗ trợ nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap…; (iii) Thực hiện thị trường nông sản lành mạnh kết nối với thị trường thế giới và trợ giúp nông dân cạnh tranh hiệu quả; (iv) Khuyến khích, ưu đãi doanh nghiệp về nông thôn để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa hoặc chuyển đổi sang nghề phi nông nghiệp./. Trần Gia Long
Tin mới hơn
Tin cũ hơn
TIN NỔI BẬT